PHAN CƯ CHÁNH (1814-1885)

Phan Cư Chánh (1814-1885) là một vị quan triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông là một danh sĩ thời vua Tự Đức (1847-1883). Ông còn có nhiều tên khác như: Phan Chánh, Trần Tuấn, Phan Trung… Tự là Tử Đan. Hiệu là Bút Phong (Tùng Phong). Ông sinh năm Giáp Tuất (1814) tại thôn Tiến Lộc, huyện An Phước, đạo Ninh Thuận (nay thuộc phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Ông là con trai thứ ba của ông Phan Lễ (tự Vân Nghi) và bà Hồ Thị Thuận (tự Nguyên Khương). Tổ bốn đời của ông là người Phúc Kiến (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam, rồi định cư tại đây.

Năm 1841 (Tân Sửu/ Thiệu Trị nguyên niên), ông thi đỗ cử nhân (khoa Hương tiến đầu tiên do triều đình mở tại An Giang) và được bổ làm tri huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, Gia Định. Sau vì xử sai một vụ kiện (xảy ra tranh tụng) nên ông bị cách chức. Lấy cớ còn mẹ già, ông xin nghỉ về quê để phụng dưỡng, sống an nhàn nơi thôn dã.

Trong thời gian làm quan ở Gia Định, ông từng kết bạn thơ, bạn rượu với Nguyễn Thông (1827-1884) và Trần Thiện Chánh, chỉ dạy cho Trà Quý Bình học tập. Trước đó, ông từng theo học với Phan Thanh Giản (1796-1867). Ông cũng giao thiệp với Trương Gia Hội, Phan Liêm… Qua đó cho thấy ông có một mối quan hệ khá rộng rãi và thân thiết với các nhà nho – trí thức Nam Kỳ.

Ngày 01/9/1858 liên quân xâm lược Pháp – Tây Ban Nha tấn công cửa biển Đà Nẵng. Ngày 17/02/1859 kéo vào đánh chiếm thành Gia Định. Sau hai năm bị bao vây, ngày 25-2-1861 quân xâm lược phá vỡ phòng tuyến Đại Đồn của Nguyễn Tri Phương, rồi thừa thế đánh chiếm luôn các thành Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long.

Tháng 5/1861,  Phan Chánh theo Đỗ Thúc Tịnh tới các tỉnh Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên để chiêu mộ nghĩa quân chống thực dân Pháp xâm lược. Phan Chánh đã tự chiêu mộ được hơn 1.000 quân quyết tâm đứng lên chống giặc xâm lược. Đội quân của Phan Chánh đã phối hợp với các thủ lĩnh nghĩa dũng như: Trương Định ở Gò Công, Trà Quý Bình ở Tân Thạnh, Phạm Tiến ở Gò Đen, Bùi Quang Diệu ở Cần Đước và nhiều nhà nho yêu nước như các Cử nhân: Cù Khắc Cần, Cù Khắc Kiệm, Hà Mậu Đức, Tú tài Trần Văn Trà… tổ chức chống Pháp.

Không giống như các tướng lãnh triều đình chỉ huy quân đội chính quy ở quân thứ Định Biên, Võ Duy Dương và Phan Cư Chánh phải tự chiêu mộ quân đội, trang bị vũ khí, lo điều kiện ăn ở cho binh lính,… để chiến đấu. Song mặt khác, cũng không giống với phần đông các thủ lãnh yêu nước ở Nam Kỳ buổi ấy, đội quân của Phan Cư Chánh và Võ Duy Dương luôn nêu cao tình thần chiến đấu để bảo vệ đất nước trước nguy cơ xâm lược. Đoàn quân của ông đã vào Nam tổ chức phong trào chiến tranh du kích, hỗ trợ cho quân đội chính quy. Vì thế, Võ Duy Dương và Phan Cư Chánh đã nhanh chóng trở thành hai thủ lãnh chống Pháp nổi tiếng thời đó.

Trong thời gian 1862-1865, Phan Chánh đã hoạt động với tư cách là một Phó tướng của Trương Định. Ông được phân công trực tiếp lãnh đạo nghĩa quân ở Biên Hòa và phụ trách chiến khu Giao Loan.

Sau Hòa ước Nhâm Tuất (1862) mà triều đình Huế ký với Pháp, tay sai của thực dân Pháp gắt gao, lùng soát những nhân vật tướng lĩnh cầm đầu đoàn quân phiến loạn đứng lên chống Pháp. Trong đó, tài liệu về Phan Cư Chánh được chúng truyền rải rất nhiều. Trước tình hình đó, Phan Cư Chánh đổi tên thành Trần Tuấn như một cách che giấu lai lịch của ông với bọn mật thám và tay sai của Pháp. Đồng thời bảo vệ an nguy cho những người trong gia đình ông. Thuận tiện cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân. Nhưng đầu năm 1865, quân Pháp đã biết rõ Trần Tuấn là ai và đòi quan lại Bình Thuận phải bắt ông giao nộp, nên Tự Đức đã ra lệnh cho ông phải lánh xa vùng nhượng địa “để lưu dùng sau này”.

Tháng 1 âm lịch năm 1866 cha ông mất. Sau hơn nửa năm chịu tang, tháng 8 âm lịch năm ấy ông được triều đình Huế khôi phục quan tịch, sau thăng làm Thị giảng học sĩ (lấy hàm Hàn lâm viện Thị độc học sĩ), sung chức Điển nông sứ Khánh Hòa (bao gồm cả Khánh Hòa, Ninh Thuận và một phần Bình Thuận), được cấp ấn Khâm phái quan phòng (như một loại quan cấp tỉnh đặc biệt). Từ đây trở đi, ông mang tên Phan Trung. Với chức vụ mới này ông trực tiếp về các phủ, cổ động dân chúng, mộ dân phu, hợp lực với các quan doanh điền sứ địa phương hướng dẫn khai khẩn đất hoang, đào mương làm hệ thống tưới nước cho các cánh đồng hơn 2 ngàn mẫu đã trở thành phì nhiêu xanh tốt. Nhờ vậy, dân chúng từ Khánh Hòa đến Bình Thuận đều được no ấm, an vui. Ngoài công lao khai hoang, dẫn thủy nhập điền, lo đời sống cho dân, trong thời gian này ông còn chăm lo tiếp tế lương thực cho các nhóm nghĩa quân chống Pháp, che chở cho các vị chỉ huy kháng chiến và những người yêu nước không chịu hàng Pháp từ miền Nam ra Bình Thuận, Ninh Thuận lánh nạn.

Theo “Đại Nam Chính biên Liệt truyện”, Vua Tự Đức cảm phục trước những cống hiến lớn lao của Phan Trung nên năm 1879, đã triệu ông về kinh đô Huế hỏi chuyện và khen ông là trung nghĩa khảng khái, thăng chức cho ông lên hàm Thị lang bộ Hộ vẫn sung chức cũ.

Trích dịch một đoạn hỏi đáp giữa vua Tự Đức và Phan Cư Chánh trong lần gặp gỡ năm 1879:

Hỏi: Tuổi tác (Phan Trung) bao nhiêu? Lâu ngày trẫm không gặp, nay đã già nhưng còn khỏe hay đã yếu rồi?

Trả lời: Thần năm Canh Tuất này là 66 tuổi, vốn có bệnh, nên đã suy yếu.

Hỏi: Nay ở Khánh Hòa, (khanh) còn làm việc gì nữa hay chỉ chuyên việc ruộng nương thôi?

Trả lời: Thần chỉ chuyên việc nông tang, duy có những người Nam Kỳ thị địa theo, thần cũng lưu tâm ủy lạo họ.

Hỏi: Nay tại Khánh Hòa tình hình thế nào, những người Nam Kỳ theo đến đó nhiều hay ít, họ làm gì?

Trả lời: Hiện người Nam Kỳ trú tại Khánh Hòa và Bình Thuận hơn 170 người, còn thì phân tán đông tây tứ cố, thần không rõ hết được. Số theo thần là 200 người, hiện đang cày cấy.

Hỏi: Khi nhà nước hữu sự, (khanh) từng theo Trương Định, chí đó đáng khen, trẫm hằng nhớ đến. Nay tuổi già, đã nguội lạnh tấm lòng đó chưa?

Trả lời: Thần tuy làm ruộng nhưng lòng đâu dám nguội lạnh. Những người Nam Kỳ tị địa đến đây cũng đều một lòng nhớ cựu triều.

Hỏi: Lúc trẻ (khanh) học với Phan Thanh Giản phải không? Chí hướng hai người vốn có khác nhau phải không?

Trả lời: Thần có học với Phan Thanh Giản, nhưng đối với tình thế lúc bấy giờ, thần trộm nghĩ làm như Trương Định mới đúng, nên thần theo Trương Định

Năm 1884 (Giáp Thân/ Kiến Phúc nguyên niên), do tuổi già sức yếu lại thấy quân Pháp ngày càng áp chế triều đình, nội bộ triều thần cũng ngấm ngầm tranh giành quyền lợi, quan lại ươn hèn khiếp nhược, muốn đầu hàng Pháp ngày càng đông, nên ông xin từ quan về quê nhà. Ông từ trần ngày 8 tháng 11 năm Bính Tuất (1886), thọ 72 tuổi. Theo cuốn sách “Đại Nam Chính biên Liệt truyện” chép ông mất năm Kiến Phúc thứ 1 (Giáp thân, 1884), thọ 71 tuổi. Điểm này cần xem xét lại.

Theo Gia phả họ Phan, nguyên nhân cái chết của Phan Trung là sau khi ông xin về trí sĩ (1884) ở quê làng Tấn Lộc, đến năm Ất Dậu (1885) thời vua Hàm Nghi, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tổ chức cuộc đánh úp quân Pháp tại Huế bị bại lộ, kinh đô thất thủ, vua phải xuất bôn, chạy ra Tân Sở, Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương. Nhân dân khắp nơi rầm rộ hưởng ứng theo nghĩa quân Cần Vương nổi dậy anh dũng chống Pháp với khẩu hiệu “Bình Tây sát tả” và đã cầm chân được bọn xâm lược một thời gian. Phan Trung lúc này có người cháu ruột tên Phan Liền (Phan Lành) lãnh đạo nhóm nghĩa quân kháng chiến tại phủ Ninh Thuận, đặt căn cứ tại Hòn Bà và vùng rừng Mông Đức (Ninh Phước) đã nhiều lần đem quân đánh quân Pháp. Do việc này, quan lại địa phương đã sớ tấu về Huế hặc tội ông. Triều đình Huế lúc bấy giờ từ vua Đồng Khánh đến quan lại đều thân Pháp, nên chúng đã triệu ông về kinh để thọ hình. Trên đường về kinh, ông cùng những người thân tín tùy tùng nghỉ chân tại vùng Ba Ngòi là nơi trước đây ông đã có công giúp dân khai hoang lập ấp và từ trần tại đây. Sau khi ông từ trần, nhờ có quan địa phương cảm kích về khí tiết và công lao đức độ của ông nên đã tâu về triều đình rằng ông bị bệnh trên đường về kinh, chạy chữa không khỏi nên đã chết tại Ba Ngòi. Đến năm Thành Thái nguyên niên (Kỷ Sửu 1889) các địa phương mang ơn ông về công nghiệp khai hoang, thủy lợi đã làm tờ trình về triều đình xin phong sắc về thờ tại các đình làng để hằng năm tế tự tưởng nhớ công ơn.

Với những cống hiến lớn lao ấy, năm 1991, khi Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Bá Thế biên soạn cuốn sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” đã trang trọng dành một trang giấy giới thiệu về tiểu sử của danh sĩ Phan Trung.

Sinh thời, Phan Cư Chánh có làm thơ nhưng không rõ có bao nhiêu tác phẩm. Trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Chính biên, Quyển 35) khi chép truyện về ông, có giới thiệu một bài thơ của ông như sau:… Khi tiễn chân (Phan) Trung, nhà thơ có tiếng đương thời như Hiệp biện Bùi An Liên (tức Bùi Văn Dị) cũng có thơ tặng, và (Phan) Trung đã họa rằng:

Phiên âm Hán – Việt:

Xuất túc Hương Giang dịch lộ hoành,

Ngũ canh phong vũ mộng tần kinh.

Quốc ân trù điệp sinh hà bổ?

Thế lộ khi khu, hận vị bình.

Lãng thủy duy châu yêu nguyệt ẩm,

Tùng phong quải kiếm ngẫu vân canh,

Nghị hòa miếu toán vô di sách,

Hội kiến Hoàng Hà vạn lý thanh.

Dịch nghĩa:

Ra nghỉ đêm ở nhà trạm bên sông Hương

Mưa gió suốt năm canh làm giấc mộng nhiều lần kinh động.

Ơn nước chồng chất, sống lấy gì báo đáp?

Đường đời gập gềnh, hận chưa lấp bằng được.

Buộc thuyền nơi sông nước, mời uống rượu dưới trăng,

Treo gươm ở rừng thông, tình cờ cày trong mây

Về việc nghị hòa, sách lược triều đình tính không sai sót,

Sẽ thấy Hoàng Hà dài vạn dặm nước đục lại trong.

Sau này, nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã cho đăng bài thơ này trong báo Tiếng Dân, số 684, ra ngày 21/4/1934.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *