VƯỜN QUỐC GIA NÚI CHÚA

Lối vào vườn quốc gia Núi Chúa

Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 42 km về hướng Đông Bắc. Vườn quốc gia Núi Chúa được thành lập theo Quyết định số 134/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/7/2003. Khu vực Núi Chúa có ba mặt giáp biển. Phía Bắc (tính đến Mũi Xốp, Hòn Một) là phần dưới của vịnh Cam Ranh thuộc xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Phía Đông và Nam là Biển Đông với các xã Vĩnh Hải và Nhơn Hải thuộc huyện Ninh Hải. Phía Nam là đầm Nại. Phía Tây giới hạn bằng chính quốc lộ 1A. Đỉnh Núi Chúa có độ cao vào khoảng 1.039m. Chiều dài Bắc – Nam khoảng 33km và tổng chiều dài đường bờ biển là 57km. Vườn quốc gia Núi Chúa nằm trong miền Trường Sơn Nam. Vườn quốc gia Núi Chúa có tổng diện tích tự nhiên là 298,6km2 (tổng là 29.856 ha, trong đó có 22.513 ha đất liền, 7.352 ha là biển với vùng đệm gồm 8 xã diện tích 7.350 ha).

Tại kỳ họp lần thứ 33, Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra từ ngày 13 – 17/9/2021 tại thủ đô Abuja, Nigeria, Vườn quốc gia Núi Chúa chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngày 14/4/2022, tại Vườn quốc gia Núi Chúa, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa từ UNESCO.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa có tổng diện tích hơn 106.600 ha; hội tụ đầy đủ 03 không gian: rừng, biển, bán sa mạc và là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Hiện, nơi đây có hơn 1.500 loài thực vật; trong đó có, 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ thế giới (IUCN). Đồng thời có 765 loài động vật; trong đó, có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ thế giới. Khu dự trữ sinh quyển sở hữu 40km đường biển bao quanh Núi Chúa, với trên 350 loài san hô và hàng trăm loài động vật biển. Đặc biệt, Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi xuất hiện nhiều loài động vật quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế như: rùa biển, voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc, đang được bảo tồn và bảo vệ nghiêm ngặt. Các nhà khoa học đánh giá đây là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất Việt Nam với lượng mưa thấp, nắng nóng quanh năm đã hình thành nên một hệ sinh thái bán khô hạn đặc trưng. Để thích nghi với thời tiết và khí hậu khô hạn thì các loài thực vật thường mang những đặc trưng điển hình, đó là rụng lá về mùa khô, cây thấp lùn, lá nhỏ và dày, có răng cưa, nhiều gai để giảm quá trình thoát hơi nước như: xương rồng, trâm bầu, mùng quân ấn, lọ nồi ô rô, huyết giác, quyển bá xoắn…

Lối vào vườn quốc gia Núi Chúa
Lối vào vườn quốc gia Núi Chúa

Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi hội tụ nhiều điều thú vị. Sau đây, chúng ta cùng điểm qua một số nơi tham quan, trải nghiệm tại Núi Chúa.

Một góc cảnh quang vùng Núi Chúa
Một góc cảnh quang vùng Núi Chúa

Hang Rái là một trong số các điểm đến thuộc hệ thống Vườn quốc gia Núi Chúa mà du khách có thể ghé thăm. Theo người dân địa phương cho biết, tên gọi Hang Rái xuất phát từ việc những chú rái cá biển chọn những hang hốc được hình thành từ những quần thể đá xếp chồng lên nhau làm nơi sinh sống. Hang Rái cấu tạo bằng đá san hô cổ, nằm sát mép biển, với phần san hô nổi trên mặt nước như một phiến đá khổng lồ. Bãi đá san hô cổ được cấu tạo từ đá san hô nên có bề mặt lồi lõm, lởm chởm với những tai đá nhọn cùng các hố đá độc đáo, tựa hồ như cảnh quang của bề mặt Mặt Trăng hay Sao Hỏa. Vào khoảng 1.800 năm trước, mực nước biển dâng cao hơn bây giờ 20m. Đến khoảng 1.000 năm sau, nước biển lùi xa dần, làm lộ ra hình dáng của thềm đá cổ ngày nay. Nơi này được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về mặt địa chất và lịch sử.

Một góc bãi san hồ cổ
Một góc bãi san hồ cổ

Bên dưới rìa bãi đá san hô cổ là một thềm đá khác nằm về hướng Bắc, còn gọi là Bãi Đá Muối. Theo người dân địa phương cho biết, mỗi lần thủy triều lên, nước biển tràn lên mặt bãi đá và sau đó rút đi để lại nước đọng trong các hố đá nhỏ. Nước này phơi dưới ánh nắng gay gắt của xứ Ninh Thuận sẽ bốc hơi nhanh và trở thành muối đọng lại. Thềm đá muối này còn đặc biệt ở chỗ, khi thủy triều lên, nước tràn lên mặt đá, gặp độ dốc lại chảy ngược trở lại xuống biển, tạo nên hình ảnh những thác nước kỳ thú trên mặt biển. Màu sắc của thềm đá này cũng thay đổi theo ánh nắng và mặt nước biển tùy vào từng thời điểm khác nhau trong ngày. Đối với những du khách hứng thú với cảnh quang tự nhiên có thể đi vòng một lượt, vượt qua các bậc đá, ngắm nhìn cây cối với những tán bụi thấp xen lẫn các tán cây già. Xung quanh vùng Hang Rái có nhiều hang hốc thuận tiện cho việc ẩn nấp, tránh trú, sinh hoạt nhóm mang nét hoang sơ. Những ai mỏi chân có thể dừng nghỉ ngơi hoặc sinh hoạt nhóm ngay tại các túp lều nhỏ được bố trí rải rác tại vùng Hang Rái. Thời gian để tham quan, du lịch, chụp ảnh, check-in, nghỉ dưỡng thuận lợi nhất tại đây là vào khoảng từ tháng 3 – 9. Khi đó, trời khô ráo, nắng đẹp, điều kiện cực kỳ lý tưởng cho du khách gần xa.

Hố nước hình trái tim (hố đá hình trái tim) cũng là một điểm check-in đầy mới lạ và không kém phần lãng mạn. Những tín đồ “sống ảo” có thể say xưa ngắm nhìn và chụp lấy cho mình những tấm ảnh đầy sức sống. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều hang hốc, góc cạnh, rất nhiều hố nước với nhiều hình dáng, kích thước khác nhau. Hãy nhanh chân đến nơi này để có những bộ ảnh đầy ảo diệu cho riêng mình.

Hồ nước hình trái tim
Hồ nước hình trái tim

Ao Hồ (hồ treo trên vách đá, Ao Hồ đá dựng, hồ treo trên núi) có địa thế nằm giữa những ngọn núi có độ cao trên 300m. Hồ dài khoảng 80m, ngang 50m, sâu 1,5m và ở độ cao khoảng 236m so với mực nước biển. Do vị trí đặc biệt nên Ao Hồ có thể trữ lại phần lớn lượng nước mưa từ các dãy núi lân cận đổ về. Vào mùa khô, nước vẫn còn lấp xấp nên một số loài cá, ếch nhái, rắn, voọc chà vá, quạ, diệc… vẫn tụ hội về đây. Vào mùa mưa, nước hồ đầy đủ, cây cối xanh tươi, cảnh quang mát mẻ, trăm hoa đua nở… Cũng vì thế, Ao Hồ cũng được xem là đẹp nhất vào mùa mưa, khi màu xanh của thảm thực vật bao trùm cả không gian. Mặt hồ có nhiều vỉa đá nổi lên như những hòn non bộ xen lẫn những tán cây truông gai, găng néo… đẹp như bon sai soi bóng quanh hồ. Điểm tô trên mặt nước là những dây rau muống tạo đường xanh mềm mại, uốn lượn… Để đến được nơi đây phải có người dẫn đường, thực sự cẩn trọng, phải len lỏi qua các cánh rừng, vượt qua một biển trời cỏ lau, cây bụi, cây gai sắc như dao cạo… Nhiều du khách sẽ phải thở hổn hển nhưng cảnh sắc của ngưỡng cửa thiên đàng cũng sẽ mở ra. Ao Hồ giống như một chiếc gương soi tự nhiên khổng lồ, treo lơ lửng giữa trời xanh. Hoặc giã có thể ví von Ao Hồ giống như một giọt nước mặt của vị thần thời gian ngưng đọng lại ở cảnh vực rừng sâu. Du khách sẽ thấy mình đang lạc vào một chốn thần tiên huyền ão nào đó nhưng lại thực sự ở nhân gian.

Công viên đá (công viên đá Ninh Thuận, bãi đá Ninh Thuận) hoang sơ ở Núi Chúa cũng là một điểm đến hấp dẫn. Công viên có diện tích khoảng 3 ha, được phát hiện năm 2013 và đưa vào phục vụ du lịch từ năm 2022 đến nay. Công viên thuộc hệ sinh thái rừng lùn trên núi đá, được bao bọc bởi các loại thực vật có khả năng chịu hạn trong điều kiện khí hậu quanh năm khô nóng. Các khối đá nơi đây đã trải qua hàng triệu năm bị bào mòn, tạo thành nhiều kích thước, hình dáng, xếp chồng chất lên nhau. Những người giàu trí tượng tượng có thể nhận thấy hình ảnh: chim, cá, bàn, ghế, khỉ, rắn… ở những hòn, khối, mảnh đá ấy. Để có thể leo trèo, thám hiểm, chụp ảnh… du khách phải hết sức cẩn thận và chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết. Các khối đá nhấp nhô, lởm chởm và góc cạnh sắc nhọn là một sự cản trở không hề nhỏ. Nắng nóng là yếu tố khiến chúng ta mất nước. Nhưng vượt qua được những vấn đề đó là cả một không gian đá đồ sộ rất đáng để thưởng ngoạn.

Một góc công viên đá
Một góc công viên đá

Vườn quốc gia Núi Chúa còn được biết đến với cái tên “Thảo nguyên cây gai” có một không hai tại Việt Nam. Nơi đây chịu tác động rất lớn từ gió biển vào mùa Đông và mùa Hè. Vì vậy, quần thể thực vật hầu hết rụng lá về mùa khô, cây thấp lùn, lá nhỏ, dày, thường có lông hoặc răng cưa, đặc biệt là có rất nhiều gai để giảm sự thoát hơi nước. Mật độ cây thấp (150 – 230 cá thể/ha), phân bố không đều, có nhiều khoảng trống. Một số loài thực vật quý, đặc hữu chỉ có ở Núi Chúa như: thị Phan Rang, đa Phan Rang, chòi mòi Phan Rang… Điển hình hơn cả là các loại cây chịu hạn có gai như: xương rồng (xương rồng bà, vợt gai), trâm bầu, mùng quần ấn, lọ nồi ô rô… Ngoài ra, còn rất nhiều giống loài thực vật và động vật quý hiếm khác mà Vườn quốc gia Núi Chúa đang sở hữu. Nếu có dịp đến thăm, du khách sẽ cảm nhận được một kho tàng động – thực vật xứng danh Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.

Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi có điều kiện tự nhiên cho loài rùa biển đến cư trú. Rùa biển là một loài bò sát đã xuất hiện khoảng 250 triệu năm. Trên thế giới có tất cả 7 loại rùa biển, thuộc 2 họ chính là Vích và Rùa Da. Riêng Việt Nam hiện có 5 loại: Rùa xanh, Vích, Đồi mồi, Rùa đầu to và Rùa da. Chúng sống chủ yếu trong môi trường nước biển, chỉ có rùa cái mới lên các bãi cát vào mùa sinh sản để đẻ trứng. Một điều đặc biệt là những con rùa con sau khi trưởng thành nó sẽ tìm cách quay lại bãi cát mà nó sinh ra để đẻ trứng. Trung bình mỗi con rùa biển đẻ khoảng 100 trứng mỗi lần. Rùa biển tập trung chủ yếu ở vùng nhiệt đới, nơi có nhiệt độ nước biển cao và ít bị biến đổi. Đến với Vườn quốc gia Núi Chúa du khách có thể tìm hiểu thêm về rùa biển một cách đầy trực quan và sinh động.

Từ Vườn quốc gia Núi Chúa du khách có thể đi đến nhiều điểm tham quan hấp dẫn khác như: Vịnh Vĩnh Hy, Mũi Đá Vách, Suối Lồ Ồ, Bãi Cóc, Bãi Đen, Bãi Thùng, Bãi Hời, Bãi Chà Là, Bãi Bình Tiên, Bãi Lớn, Bãi Kinh, Bãi Nước Đỏ, Bãi Nước Ngọt, Suối Đồng Nha, Suối Tiên, Thác Đá Thảo, Di tích lịch sử CK19… Du khách có thể đến nhiều lần để tìm hiệu về các khu vực cảnh quang khác nhau mà không hề nhàm chán. Bởi lẽ số lượng điểm đến là rất nhiều, đủ cho du khách quên lối về.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *