BẢO TÀNG TỈNH NINH THUẬN

Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận

Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận nằm trong quần thể khuôn viên Quảng trường 16/4, đối diện Tượng đài Chiến thắng, thuộc địa bàn phường Tấn Tài, án ngữ tại vị trí đắc địa của trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh lỵ của Ninh Thuận).

Công trình Nhà Bảo tàng được khởi công xây dựng vào tháng 8/2007 và khánh thành vào ngày 21/02/2012, với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Diện tích xây dựng vào khoảng 32.000m2, gồm 04 tầng: tầng hầm, tầng trệt, tầng làm việc và sân thượng. Mỗi tầng bao gồm nhiều phòng ốc cùng các công trình phụ trợ khác.

Ngày 26/4/1993, Nhà Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận được thành lập theo Quyết định số 350/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Đến ngày 26/3/2002, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ký Quyết định số 47/2002/QĐ-UBND đổi tên Nhà Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận thành Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận. Tên gọi này tồn tại từ đó đến nay. Tuy được thành lập từ rất sớm nhưng Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận chưa có trụ sở riêng mà phải làm việc tạm tại Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm (1993-2009), Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Thuận (2009-2012). Sau khi nhận công trình bảo tàng hiện nay (tháng 2/2012), hoạt động bảo tàng mới từng bước đi vào ổn định. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận có 02 phòng trưng bày: chuyên đề và cố định (thường xuyên).

Phòng trưng bày chuyên đề thường giới thiệu có chọn lọc về nội dung nhằm phản ánh các sự kiện trọng điểm trong năm của tỉnh Ninh Thuận: Tết Nguyên Đán, kỷ niệm tái lập tỉnh (1/4), kỷ niệm giải phóng tỉnh (16/4), kỷ niệm giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước (30/4), thành tựu kinh tế – văn hóa – xã của tỉnh, kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, chào mừng Lễ hội Katê, kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12)… Ngoài ra, Bảo tàng còn phối hợp với bảo tàng các tỉnh, thành phố khác cùng các nhà sưu tập tư nhân để mở rộng kho chuyên đề triển lãm – trưng bày: sưu tập tranh, tượng, đờn ca tài tử Nam Bộ, phụ nữ Nam Bộ,…

Khu vực phòng trưng bày cố định
Khu vực phòng trưng bày cố định

Phòng trưng bày cố định (thường xuyên) gồm 12 mảng nội dung, giới thiệu đầy đủ về diện mạo tự nhiên – lịch sử – văn hóa của tỉnh Ninh Thuận. Khu vực điêu khắc Chăm với các bia ký, tượng… được chạm khắc tinh tế. Khu vực điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên với nhiều loài sinh vật biển, các khoáng sản, động vật đa dạng. Khu văn hóa Sa Huỳnh gợi nhớ về một nền văn hóa, văn minh cổ đại của dải đất miền Trung với những đồ bằng đất sét nung, đá… Khu vực văn hóa người Kinh với lễ cưới, tín ngưỡng dân gian, lễ hội Cầu Ngư, nghề truyền thống tiêu biểu… Khu vực văn hóa người Chăm với lễ nghi – lễ hội, nhạc cụ, nghề gốm – dệt… độc đáo. Khu vực văn hóa người Hoa với trang phục, trang sức, vật dụng mang đặc trưng của một cộng đồng người tiêu biểu. Khu vực văn hóa Raglai với sự mộc mạc qua các vật dụng đời thường, với Lễ bỏ mả độc đáo… Khu vực văn hóa người Chu Ru với các sinh hoạt cộng đồng, trang phục, trang sức riêng. Khu vực văn hóa Cơ Ho với đặc trưng của nhóm người thuộc ngữ hệ Nam Á. Khu vực Ninh Thuận thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1930-1954), toát lên những dấu ấn năm tháng của các địa điểm Đề pô xe lửa Tháp Chàm, Xóm Dừa – Đô Vinh, các chiến sĩ cách mạng… Khu vực Ninh Thuận thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), hiện rõ cuộc đấu tranh ngoan cường của quân và dân Ninh Thuận… Khu vực Ninh Thuận từ sau ngày giải phóng đến nay, giới thiệu về một thời kỳ bao cấp đầy vất vả cho đến những thành tựu gặt hái được từ công cuộc Đổi mới đến nay.

Trong hệ thống hiện vật được Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận lưu giữ, trưng bày có rất nhiều hiện vật quý: Bia Hòa Lai (Bảo vật quốc gia), sưu tập gốm Chu Đậu (thời hậu Lê), Tráp sắc phong (thời vua Tự Đức), sưu tập tiền Đông Dương, sưu tập trang phục Chăm… Bảo tàng cũng có một kho mở phục vụ hạn chế cho các đối tượng khách tham quan, học tập, nghiên cứu.

Du khách đến với Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận có thể chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Bề ngoài công trình giống như một tòa Kim Tự Tháp (Ai Cập) nào đó nhưng mang đầy dáng vẻ hiện đại, ngạo nghễ chọc vào bầu trời xanh trong, rực rỡ ánh nắng vàng. Gần hơn, công trình mang dáng vẻ của một con thuyền, với đôi cánh buồm rộng mở, lướt đi trên mặt hồ yên ả, trong veo. Đêm đến, phố thị lên đèn. Đây cũng là lúc công trình trở nên lung linh, huyền ảo với nhiều sắc màu từ hệ thống đèn nghệ thuật mang lại. Nhiều người ví von tòa nhà Bảo tàng tỉnh là một viên pha lê của thành phố. Bên trong, kiến trúc với nhiều tầng lớp như một khối bát quái đồ khiến nhiều người lạc bước. Ngoài ra, khuôn viên bên ngoài công trình còn có những nhiều tiểu cảnh, cảnh quang, các khối đá nghệ thuật độc đáo… Tất cả tạo nên một hệ thống phức hợp đủ cho du khách trải nghiệm nhiều giờ mà không hề nhàm chán. Đến nơi đây, du khách nền giành chút ít thời gian để nghe thuyết minh (trực tiếp qua người hướng dẫn hoặc dùng audio guide, xem trình chiếu) để có được những thông tin hữu ích cho một chuyến đi dài. Riêng các bạn học sinh, sinh viên có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm để thu hoạch được nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích từ những chương trình do bảo tàng xây dựng. Dù rằng Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận chưa thực sự bề thế về không gian, chưa có quá nhiều hiện vật quý hiếm, song cơ bản nơi đây đủ sức để làm du khách thích thú với những điều mà nhiều nơi chưa giải đáp được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *