CÂY NHA ĐAM

Cây Nha Đam

Nha đam còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như: lô hội, long tu, liu hội, long thủ, lao vĩ… Là loài cây mọng nước thuộc chi Lô hội – Aloe, loài A.vera, phân họ Asphodeloideae.

Cây Nha Đam
Cây Nha Đam

Cuối thế kỷ XIII, nhà thám hiểm người Ý là Marco Polo (1254-1323) đã thực hiện một chuyến đi thám hiểm toàn châu Á. Polo đã mang theo loài cây này đến Trung Quốc với tư cách như một loài dược thảo. Trong khoảng 180 loài thì chỉ có 04 loài được sử dụng để làm thuốc. Hai loài được chú ý nhất là Aloe ferox (Mill, 1768) và Aloe vera (L,1753). Từ Trung Quốc cây nha đam đã đưa sang Việt Nam.  Nha đam được trồng rất nhiều ở vùng Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Rí, Phan Thiết (Bình Thuận). Loài cây này có khả năng chịu hạn tốt.

Chất nhựa của nha đam trong suốt, khi cô đặc lại sẽ có màu đen (Aloès). Thành phần nhựa lá nha đam chứa các: amino acid (gồm tối thiểu 23 loại), vitamin (B1, B2, B5, B6, B12, axit foric, C, A, E), khoáng tố vi lượng (Natri, Kali, Calci, Photpho, Đồng, Sắt, Kẽm, Magnesi, Mangan). Các chất Monosaccharid, Polysaccharid (Cellulose, Glucose, Rhamnose, Aldopentose, Galactose, Xylose, Mannose, Arabinose, Acemannan)) có tác dụng kháng virút (virus) và giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Prostaglandin và các axit béo chưa bão hòa (Axit ama linolenic) có tác dụng tiêu sưng, giải dị ứng và làm lành vết thương, mau lên da non. Nhóm các Enzym (Oxydaza, Lipaza, Amilaza, Catalaza, Allnilaza…) là các men tiêu hóa giúp ăn ngon và làm thuốc bổ. Nhóm Anthraglycoside, Anthraquinon (Aloe Emodin, Barbaloin, Aloinosit A, Aloinosit B, Antharnol, Aloin, Aloezin, Aloenin, Aloectin B, chất nhựa este của axit cinnamic, axit hysophanic…) có khả năng chống oxy hóa tế bào, nhuận trường, giải độc, chống táo bón. Các anthraquinon sẽ kết hợp các ion calci trong đường tiểu thành hợp chất tan được để tống ra ngoài theo đường tiểu nên có tác dụng phòng ngừa sỏi niệu. Nha đam còn mang nhiều công dụng khác như: trị viêm loét dạ dày, trị bệnh ngoài da, điều trị bệnh xơ gan cổ trướng, bệnh tiểu đường và cao huyết áp, trị mụn,… Tuy nhiên, khi sử dụng nha đam với tư cách như một loại thuốc điều trị bệnh thì phải cẩn trọng trong tỉ lệ pha chế, chiếc xuất, kết hợp trong các vị thuốc phải đúng tỷ lệ, liều lượng, phải có sự chẩn đoán và hướng dẫn của bác sĩ (thầy thuốc). Bởi lẽ nha đam cũng mang trong mình một số tác hại. Đông Y xếp nha đam (lô hội) vào loại thuốc tẩy xổ và trục thủy, dùng nhiều sẽ làm tổn thương tân dịch và chính khí. Người bệnh tim tránh dùng vì nó có nguy cơ gây loạn nhịp tim. Nhựa cây nha đam có chứa độc tố. Do đó, nếu điều chế và sử dụng không đúng cách có nguy cơ gây co thắt bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Thành phần Anthraquinon trong nhựa nha đam sẽ gây sung huyết cho ai bị bệnh trĩ, viêm ruột. Phụ nữ mang thai dùng nha đam có thể sinh quái thai. Phụ nữ đang cho con bú dùng nha đam có thể gây ngộ độc cho trẻ (khi bú).

Nha đam được trồng làm cảnh
Nha đam được trồng làm cảnh

Ngày nay, nhiều người trồng nha đam như một thứ cây cảnh. Cấu trúc cây đơn giản, dễ trồng, dễ chăm sóc, có màu xanh tươi tắn, có gai xù xì của loài cây đặc hữu vùng khô hạn. Ít tốn công dọn dẹp, vệ sinh vì cây không có lá rụng như các loài cây khác. Ít tốn công chăm sóc vì cây chịu hạn tốt nên không cần phải tưới nước nhiều, ít bám bụi. Có thể cắt lá để sử dụng và dễ dàng tạo lá mới bằng việc nhẹ nhàn cắt đi lá cũ. Có thể đặt được nhiều nơi, các góc nhà, bàn làm việc, hàng quán… để trang trí.

Một công dụng đặc biệt của nha đam là chế tạo các món ăn, thức uống hấp dẫn. Cắt lá nha đam, gọt vỏ, rửa sạch để loại bỏ nhựa/mủ tránh gây độc. Khi rửa có thể cho thêm ít nước chanh để loại bỏ bớt độ nhớt. Thịt nha đam sau khi làm sạch có thể cắt nhỏ, ăn sống, xay nước hoặc nấu chè đều dễ ăn.

Chè nha đam nấu nhãn nhục
Chè nha đam nấu nhãn nhục
Canh nha đam nấu sườn
Canh nha đam nấu sườn
Nước uống từ Nha Đam
Nước uống từ Nha Đam

Vào những ngày hè oi ả được thưởng thức những món ngon từ nha đam cũng là một trải nghiệm đầy thú vị. Hiện nay, nha đam cũng được điều chế thành nhiều sản phẩm khác như: gel dưỡng ẩm chiết xuất từ nha đam, đường phèn nha đam, nước nha đam đóng chai (túi, bịch),… Du khách có thể tìm mua làm quà cho gia đình, bạn bè để hiểu hơn về một loại cây đặc thù của vùng đất khô hạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *