NHÀ CHA MẸ CỐ TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA NGUYỄN VĂN THIỆU

Ninh Thuận là vùng đất nổi tiếng với các bãi biển đẹp, các công trình tháp Chăm hùng vĩ, với nho ngon, táo ngọt, với văn hóa đậm đà, riêng biệt… Có những nơi đã nằm trong tour tuyến dễ dàng cho du khách thưởng ngoạn. Song cũng có nơi dù có bề dày lịch sử với những câu chuyện huyền bí nhưng chưa thực sự được đông đảo mọi người biết đến. Một trong số đó có thể kể đến ngôi nhà mà cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đã từng xây dựng cho cha mẹ của ông ở vùng Tri Thủy.

Nguyễn Văn Thiệu (5/4/1923 – 29/9/2001) là một sĩ quan, chính khách Việt Nam, người từng giữ chức vụ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, Chủ tịch Đảng Dân chủ và Mặt trận Quốc gia Dân chủ Xã hội trong giai đoạn 1967-1975. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả thuộc tầng lớp trung lưu, quê gốc tại làng Tri Thủy, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận (nay là xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Ông là con út trong gia đình có 07 người con nên lúc nhỏ được gọi là “cậu Tám”. Cha của Nguyễn Văn Thiệu là cụ Nguyễn Văn Trung, một nhân sĩ Nho học. Mẹ là bà Bùi Thị Hành. Các anh chị của ông lần lượt là Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Thị Phiếu, Nguyễn Văn Kiểu và Nguyễn Thị Phận; hai người còn lại không rõ tên tuổi.

Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001)
Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001)

Có thông tin cho rằng, vào khoảng năm 1973, Nguyễn Văn Thiệu đã cho xây dựng lại ngôi nhà dành cho cha mẹ ông tại mảnh đất của gia đình tại làng Tri Thủy (Ninh Hải – Ninh Thuận). Người dân thường gọi vắn tắt là Nhà ông Thiệu. Hiện nay, ngôi nhà vẫn còn được lưu giữ song qua thời gian cũng đã xuống cấp và gần như không còn giữ được các đồ nội thất xưa kia từng dùng. Ngôi nhà nằm bên bờ Đầm Nại. Đây là một đầm nước lợ có vai trò điều hòa không khí, điều phối nước ra vào vùng cửa biển và chứa hơn 320 loài thủy sản đa dạng về chủng loại. Đầm Nại giống như một vùng vịnh thu nhỏ, nước xanh trong, êm ả, thuyền bè ra vào tấp nập sau các chuyến ra khơi và trở về với đong đầy tôm cá. Bao quanh là núi non xanh rì, đá chất chồng lởm chởm với hàng trăm hình thù kỳ dị, cuốn hút. Hoàng hôn buôn xuống mặt đầm tím ngắt, bình yên, đâu đó bóng thuyền thúng, thuyền con thắp đèn đánh bắt, câu mực phiêu diêu trên nền nước bồng bềnh. Bình minh ló dạng đem theo sức sống rộn rạ của vùng vạn chài. Gió biển vi vu, mát lành sẽ làm cho con người thư thái đến lạ thường. Đôi cánh chim trời lượn vòng trên nền trời rồi xuất dần vào núi đồi càng tô điểm thêm cho bức tranh sơn thủy Đầm Nại thêm tuyệt đẹp.

Mặt dưới của Đầm Nại hướng ra cửa biển Ninh Chữ có một cây cầu vắt ngang, đó là cầu Ninh Chữ. Cầu được khởi công xây dựng ngày 17/10/2009 và thông xe vào ngày 26/8/2014. Câu Ninh Chữ dài 511,4m, rộng 11m, với 13 nhịp cầu, tốn hơn 296 tỷ đồng xây dựng. Cầu nối thông thị trấn Khánh Hải với xã Tri Hải (huyện Ninh Hải). Nhìn từ trên cao, cây cầu như một chiếc đàn ghita khổng lồ với hộp đàn ở bờ trái, cần và dây đàn bắt qua sông nối liền bờ phải của Đầm Nại. Cây cầu được xây dựng ở vị trí cao nên tầm nhìn thoáng đãng. Đứng trên cầu có thể phóng tầm mắt để ngắm nhìn một vùng rộng lớn. Góc trái cầu (hướng Tây Bắc) là các nóc nhà nối liền nhau đón gió biển. Góc phải cầu (hướng Đông Bắc) là cảnh núi đồi hùng vĩ, xanh tươi thu trọn trong tầm mặt. Đi trên cầu ta có cảm giác như đi xuyên lòng núi.

Mặt trên Đầm Nại là cây cầu Tri Thủy bắt ngang. Có lẽ cây cầu cũ được xây dựng vào khoảng năm 1965-1966. Thuở nhỏ, ông Thiệu cũng như bao đứa trẻ khác, hàng ngày phải cởi quần áo và đội cặp sách trên đầu lội qua Đầm Nại rồi đi bộ thêm 5-7km để đến trường. Nhớ về sự khó khăn, vất vả của thời thơ ấu, sau khi thành đạt, ông Nguyễn Văn Thiệu đã cho xây dựng nên cây cầu Tri Thủy để giúp cho bà con quê nhà. Vì thế, một thời người dân quen gọi là cầu Ông Thiệu. Cây cầu từng là niềm tự hào của người dân làng Tri Thủy (làng Bến Đò). Về sau cầu bị hư hại nhiều nên Tỉnh đã quyết định cho xây một cây cầu mới vào năm 1984. Đây cũng là con đường chính để di chuyển vào thôn Tri Thủy và đến thăm ngôi nhà của gia đình cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu.

Cầu Tri Thủy
Cầu Tri Thủy

Ngôi nhà được xây dựng khoảng năm 1973, với diện tích sử dụng khoảng 200m2, nằm trong khuôn viên đất rộng hơn 500m2. Căn nhà được xây dựng bằng gạch, bê tông chắc chắn, với lối kiến trúc độc đáo khác xa các ngôi nhà trong làng Tri Thủy. Cột, kèo to, chắc. Các cánh cửa được làm bằng gỗ chắc chắn, cứng cáp và khá nặng. Nền được lót gạch men cơ nhỏ màu xanh, trắng xen kẽ. Gạch xưa mang dấu ấn rất riêng. Bốn phía của ngôi nhà đều có các hành lang rất thoáng mát, dễ dàng đón nhận các luồng gió biển từ Đầm Nại thổi vào. Gian nhà chính có khung bằng gỗ chạm trổ cầu kỳ, với 3 bức hành phi viết bằng chữ Hán treo ở trung tâm. Hoành phi bên trái là “PHẦN TỬ SINH QUANG”: tạm dịch là quê hương sinh ánh sáng. Hoành phi trung tâm là “ĐỨC LƯU QUANG”: ý nói đến những công đức của tổ tiên lưu truyền cho con cháu, soi sáng đường đi của các thế hệ sau, phù hộ cho con cháu những điều tốt đẹp. Sử dụng bộ Đức Lưu Quang trong gia đình là ca ngợi phúc đức của cha ông, cầu mong cha ông phù hộ, gia đình hưng thịnh. Hoành phi bên phải là “THIỆN GIA HỮU KHÁNH”: tạm dịch gia đình tốt lành, có phúc.

Nhà ông Thiệu
Nhà ông Thiệu

Năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Nguyễn Văn Thiệu đã cùng gia định di cư sang Mỹ (Hoa Kỳ). Căn nhà này đã được chính quyền mới sung công. Đến năm 1998, chính quyền cấp cho bà Trương Thị Thìn, một người có công với cách mạng, sử dụng. Sau khi bà Thìn mất, ngôi nhà do con trai bà là ông Lương Văn Tâm (nghề làm cây cảnh, hòn non bộ, trang trí sân vườn) sử dụng. Sau này, chính quyền cũng tính toán bàn giao cho công ty du lịch Sài Gòn – Ninh Chữ làm khu di tích để phục vụ du lịch. Một điều đáng tiếc ngôi nhà bị chìm trong quên lãng một thời gian khá dài, thiếu sự quan tâm tu bổ, không giữ gìn được các đồ nội thất, vật dụng xưa và chưa đưa vào phục vụ du lịch được. Trong những năm gần đây, địa điểm này mới dần được nhắc đến nhiều hơn, được quan tâm và chia sẽ rộng rãi hơn. Đây thực sự là một điều đáng mừng cho du lịch vùng đất Tri Thủy nói riêng và cho những người yêu mến các giá trị lịch sử – văn hóa nói chung. Với 50 năm tuổi (1973-2023), lại gắn với một nhân vật lịch sử tầm cỡ (cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu), tin chắc nơi đây sẽ là một điểm đến đầy sức hút cho du khách phương xa trong thời gian sắp tới.

Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu còn cho xây dựng một ngôi nhà nghỉ mát ở gần đấy, thường gọi là Nhà Mát. Ngôi nhà được ông Thiệu xây dựng để làm nơi cho gia đình ông nghỉ mát mỗi khi ông về thăm quê. Hiện nay, khu nhà đã được cải tạo thành một nhà hàng, mang tên Nhà hàng Nhà Mát, thuộc quản lý của resort Sài Gòn – Ninh Chữ. Ngôi nhà dù không to lớn, đồ sộ so với nhiều nơi khác song ít nhiều cũng mang những dấu ấn riêng, gắn liền với đời sống tinh thần của một vị nguyên thủ quốc gia một thời.

Để thuận tiện cho những trẻ em khỏi phải đi học xa, cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu còn cho xây dựng mới ở vùng Tri Thủy. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với con em xứ Ninh Thuận nói chung và Tri Thủy nói riêng, khi mà các cơ sở giáo dục, đào tạo còn nhiều thiếu thốn. Có tư liệu cho rằng ngôi trường mang tên là Trường Nguyễn Văn Thiệu. Sau này được nâng cấp lên trở thành Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận. Sau khi tái lập tỉnh Ninh Thuận (01/4/1992), Trường Trung học Sư phạm Thuận Hải được đổi tên thành Trường Trung học Sư phạm Ninh Thuận và Trường Sư phạm cấp II Thuận Hải được đổi tên thành Trường Sư phạm cấp II Ninh Thuận. Ngày 18/5/1993, UBND tỉnh đã hợp nhất 02 trường thành Trường Sư phạm Ninh Thuận, đặt cơ sở tại thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải). Trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, đổi tên, ngày 02/10/2000, Trường Sư phạm Ninh Thuận được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận theo Quyết định số 4024/2000/QĐ-BGD&ĐT-TCCB của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngày 29/4/2021, UBND tỉnh đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh – Phân hiệu Ninh Thuận. Đây cũng là trường đại học hàng đầu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Vùng Tri Thủy nơi ông Thiệu và gia đình sinh sống còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ. Các câu chuyện mang tính chất dân gian, truyền miệng nên có tính chất dị bản, thêm thắt, có yếu tố thực nhưng cũng có yếu tố hư, chưa thể xác minh được song được lan truyền gần như khắp xứ Phan Rang. Một tư liệu kể rằng: “Ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nơi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sinh ra có ngọn núi tên là (núi) Đá Chồng. Trên ngọn núi có 3 tảng đá lớn chồng lên nhau, hình thù rất dữ tợn nên người dân thường gọi là Đá Mặt Quỷ. Cách Đá Mặt Quỷ tầm 1 cây số về hướng Bắc có một hòn đá giống như một chiếc dao, nên được gọi là Đá Dao. Chiếc dao này được xem như vũ khí chứng quỷ nên dân Phan Rang xưa hay lưu truyền câu nói “Mặt Quỷ kỵ Đá Dao”. Cần thiết phải nói thêm rằng, theo giai thoại Nguyễn Văn Thiệu là một người cuồng tín vào thế giới tâm linh, để mị dân, ông Thiệu đã không ngần ngại đổi ngày tháng năm sinh của mình từ ngày 5/4/1923 thành ngày 24/12/1924. Theo âm lịch thì ngày này thuộc ngày Tý, tháng Tý, năm Tý nên gọi là “Tam Tý vương” thể hiện sự hưng thịnh, cát tường. Nguyễn Văn Thiệu đã dùng thông tin về ngày sinh giả này để thêu dệt về một chân mệnh đế vương mà trời đã ban cho ông. Giai thoại về sự mê tín của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được người dân lưu truyền rất nhiều, trong đó nổi tiếng nhất là việc chứng nghiệm hòn Đá Dao trên núi Đá Chồng ở Phan Rang (quê hương ông Thiệu) và xây dựng Hồ Con Rùa mô phỏng “Bát Quái Đồ”để dính chặt long mạch Sài Gòn. Khi chưa nhận chức, ông Thiệu đã rất tin dùng 3 thầy chiêm tinh, tử vi, bói toán là Quỳnh Liên, Minh Nguyệt và Khánh Sơn. Có giai thoại kể lại rằng, lúc còn là Tư lệnh Sư đoàn 5 cơ động đóng quân tại Biên Hòa, Quỳnh Liên đã chấm tử vi cho ông Thiệu vào năm 1963 phải về hất cẳng tảng đá cản đường để đăng cơ và tảng đá đó không ai khác là Ngô Đình Diệm. Vì thế, sau khi lên làm Tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu càng say mê với những lá số tử vi, cát thuật, phong thủy. Trong một lần về quê xem phong thủy, các thầy phong thủy đã xem long mạch và phán Mặt Quỷ và Đá Dao chính là mấu chốt yểm mệnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Theo đó, nhà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giáp mặt với Đá Mặt Quỷ là điềm vô cùng xấu, ảnh hưởng đến quan lộ của ông cả đời. Nhưng công danh của ông vẫn rực rỡ khi nghiễm nhiên ngồi ghế Tổng thống là nhờ hòn Đá Dao chứng quỷ. Tin râm rấp vào lời quân sư, ông Thiệu đã cho chứng nghiệm núi Đá Chồng, tăng lực cho Đá Dao để tiếp thêm linh khí cho mình. Để dính chặt Đá Chồng, ông Thiệu đã lệnh cho Tỉnh trưởng (Ninh Thuận – Bình Thuận) bấy giờ, điều một trung đội công binh gấp rút xây dựng lại Văn thánh miếu thần, gồm 3 ngôi miếu tại thành hình chữ Công. Ngôi miếu này án ngữ phía Bắc núi Đá Chồng. Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục cho làm một con đường trải nhựa chạy thành hình vòng cung từ dưới tỉnh lộ lên đến Văn thánh miếu. Và để giữ vững lin khí của mình, Nguyễn Văn Thiệu đã cắt ngay một trung đội biệt động quân đến núi Đá Chồng để ngày đêm túc trực, bảo vệ công trình. Năm 1974, hòn Đá Dao đột nhiên vỡ đôi lăn xuống chân núi. Và đến bây giờ người dân Phan Rang vẫn rất tường tận vụ án hòn Đá Dao. Đó là một buổi chiều trời quang mây tạnh bỗng nhiên hòn Đá Dao vỡ làm 2, rồi đùng đùng lăn xuống tung vào Đá Mặt Quỷ, khiến 3 hòn đá chồng lên nhau bị lung lây dữ dội rồi cũng vỡ ra. Các tảng đá lớn lăn xuống và dừng lại dưới chân núi không gây thiệt hại gì cho dân nhưng ông Thiệu thì vô cùng kinh hãi. Và trong vòng 1 năm sau, Nguyễn Văn Thiệu đã chính thức vụ lật đổ và kéo theo sự lụi tàn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa”. Ở câu chuyện này, có lẽ người kể đôi chỗ đã dùng những từ ngữ hơi nặng nề như: cuồng tín, mị dân hoặc giã việc đổi ngày tháng năm sinh thành ngày “Tam Tý vương” là không chính xác.

Núi đá chồng
Núi đá chồng

Núi Đá Chồng thuộc địa phận thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Cách trung tâm Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 5km theo hướng Đông Bắc. Tên gọi xuất phát từ việc ngón núi có nhiều hòn đá nằm xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên. Núi Đá Chồng còn được gọi là núi Phượng Hoàng, do núi có hình dáng giống con chim phụng đang khép mình bên đại dương xanh. Trên núi có những tảng đá nhấp nhô, chồng lên nhau với muôn vẻ hình thù mà ít nơi có được. Từ trên cao, phóng tầm mắt ra xa có thể quan sát đầy đủ các cảnh sắc: rừng-núi-đồi, biển-đầm, đồng ruộng, đồng muối, thuyền bè, phố – chợ, cầu, chùa… Thật hiếm có nơi nào có thể hội tụ được đầy đủ các sắc thái thiên nhiên đến lạ kỳ như vậy.

Đá Dao vốn là một tảng đá dựng đứng trên sườn phía Đông của dãy núi Đá Chồng. Hình dạng giống con dao sắc nhọn. Con dao ấy được cho là dùng để trấn quỷ, giết quỷ. Đá Mặt Quỷ không nằm trên cùng một ngọn núi với Đá Dao. Hai ngọn núi nằm cách nhau 5-6km đường bộ và cả một mặt Đầm Nại rộng lớn. Do đó, chi tiết được kể trong câu chuyện là “Đá Dao lăn xuống đổ vào Đá Mặt Quỷ khiến ba tảng đá này cũng vỡ ra” cần xem xét lại.

Đá Mặt Quỷ xấu xí, ác độc trong truyền thuyết thế nào không rõ, song khi mùa hoa mai vàng nở rộ, nơi đây đầy sức sống. Khí xuân bao trùm, cảnh vật xanh tươi, chim muông trẫy hội. Một bức tranh phong cảnh đáng giá đến từng xu cho những ai đến thưởng ngoạn.

Sự xuất hiện đồng thời của Đá Mặt Quỷ và Đá Dao được dân gian đồn đoán là thế đất trấn yểm long mạch, gắn với con đường phát quan tước của ông Nguyễn Văn Thiệu. Trong câu chuyện kể năm 1974, ngoài việc trời không mưa mà hòn Đá Dao sụp đổ còn có thêm ý hàng đàn sâu bọ lũ lượt kéo qua quốc lộ tàn phá mùa màng, bướm bay rợp trời  khiến dân địa phương đồn ầm ĩ rằng: ông Thiệu sẽ mất chức tổng thống. Quả thực ngày 21/4/1975, ông Thiệu từ chức và chuyển sang nước ngoài sinh sống trước ngày 30/4/1975. Những câu chuyện ly kỳ ấy đã góp phần tạo nên sức hút đối với những ai đam mê khám phá. Ngày càng có nhiều Tik Toker, Youtuber để chinh phục vùng đất huyền bí này.

Ngọn núi Đá Chồng còn chứa đựng trong mình 03 ngôi chùa cổ kính, với kiến trúc đẹp gắn kết với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn gồm: chùa Trùng Khánh, Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ và chùa Trùng Sơn Cổ Tự.

Chùa Trùng Khánh nằm ngay dưới chân núi Đá Chồng. Công trình được xây dựng bằng gạch thô nên còn giữ được các đường nét cổ kính. Trước chùa có một hồ sen lớn thơm ngát, với tượng Bồ tát Quán Thế Âm đặt ở trung tâm hồ để thập phương chiêm bái, tịnh tâm cầu nguyện.

Hương bên phải là Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ được chia thành 02 phần: Tăng viện (ở chân núi) và Ni viện (ở lưng chừng núi). Đây là một trong những thiền viện lớn bậc nhất của xứ Ninh Thuận. Công trình được xây dựng chủ yếu bằng đá và gỗ quý. Lưng dựa núi tạo sự chắc chắn. Mặt hướng ra biển tạo tầm nhìn thoáng đãng, rộng mở, đón được gió lành. Đến nơi này thưởng ngoạn sẽ thấy tâm hồn thảnh thơi, thanh thản sau những ngày dài lao động, học tập vất vả.

Trên đỉnh núi Đá Chồng là ngôi chùa lớn nhất – Trùng Sơn Cổ Tự. Ngôi chùa được xây dựng khoảng năm 1973, ban đầu chỉ có một ngôi nhà dùng để thờ Phật khá giản dị. Sau gần 50 năm, diện tích được mở rộng qua 3 đời trụ trì. Nay, ngôi chùa trở nên vô cùng bề thế. Vật liệu xây chùa là đá xanh tự nhiên, với khoảng 300 bậc thang được gia công tỉ mỉ từ đá xanh. Có lẽ chùa cao cách mực nước biển độ tầm 60m. Khung cảnh nhìn được bao quát không gian xung quanh Đầm Nại. Trời đất bao la, trải rộng, biển trời, mây núi, hoa lá, chim muông… đều có đủ trong một khuôn hình.

Một miền đất đẹp với nhiều câu chuyện kỳ bí đến thế, nếu du khách bỏ qua khi đến với xứ sở Ninh Thuận thì thật là một điều đáng tiếc. Ninh Thuận vốn là một vùng đất khắc nghiệt nhưng đang vươn mình trỗi dậy trở thành một vùng đất của sự khác biệt. Du khách cũng đừng quá lo lắng về chi phí bởi lẽ hầu như nhiều điểm chưa nằm trong hệ tour tuyến đề thu phí. Các hoạt động ăn uống cũng rất phải chăng. Bên cạnh Đầm Nại là một khu chợ nhộn nhịp – Chợ Nại (chợ Dư Khánh). Những thứ quà của biển cả tươi sống, được chế biến đầy hấp dẫn sẽ làm cho các thực khách khó lòng kiềm lại. Hãy đến để cùng thưởng thức và trải nghiệm trong một ngày gần nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *