LÀNG GỐM BÀU TRÚC

Cổng vào làng gốm Bàu Trúc

Làng gồm Bàu Trúc (tiếng Chăm: Paley Hamu Trok) thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây là một làng gốm độc đáo của người Chăm, nằm cách trung tâm Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km về hướng Nam. Làng gốm Bàu Trúc được xem là làng nghề cổ nhất Đông Nam Á còn bảo lưu khá tốt truyền thống làm gốm hoàn toàn bằng thủ công.

Bản đồ hướng đi Làng gốm Bàu Trúc
Bản đồ hướng đi Làng gốm Bàu Trúc

Nếu du khách di chuyển từ hướng Nam (TP. Hồ Chí Minh) đến tỉnh Ninh Thuận thì việc tham quan Làng gốm Bàu Trúc vô cùng dễ dàng. Chỉ cần dừng chân ngay tại trung tâm thị trấn Phước Dân, lối vào làng gốm sẽ hiện ra trước mặt, giáp với quốc lộ 1A. Nếu du khách di chuyển từ hướng Bắc vào Ninh Thuận hoặc xuất phát từ trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm thì có thể men theo các tuyến đường 16/4, 21/8, Trần Phú… tìm về ngã 5 Phủ Hà, từ đó rẽ trái di chuyển một mạch theo hướng Nam quốc lộ 1A vào thị trấn Phước Dân, rồi vào làng gốm. Du khách có thể đi theo nhóm, tổ chức hoặc cá nhân tùy thích với nhiều loại phương tiện: xe khách, ô tô, xe buýt, xe máy, mô tô… Tuyến đường cho các phương tiện đi lại vô cùng thuận tiện, không ùn tắc như nhiều nơi khác.

Cổng vào làng gốm Bàu Trúc
Cổng vào làng gốm Bàu Trúc

Làng thường được gọi theo tên Chăm là Paley Hamu Trok, song cũng có tư liệu gọi là Palei Hamu Craok (chuyên trang Wikimedia – mục viết về Ninh Thuận). Paley Hamu Trok, trước đây được người Việt gọi là Ma Tró: có địa danh hành chính là làng Vĩnh Thuận từ thời Minh Mạng (1832). Sau trận lụt lớn năm Giáp Thìn (1964), làng dời về nơi cao ráo hơn (cách làng cũ khoảng 3km) – nơi có nhiều trúc cạnh một cái ao khá lớn nên gọi là Bàu Trúc (trong tiếng Chăm bàu có nghĩa là ao – hồ).

Tương truyền, ông Po Klong Chanh và vợ là bà Nai Lank Mưh dạy cho phụ nữ Chăm làm gốm từ xa xưa. Po Klong Chanh (Po Klong Chan) vốn là một quan cận thần của vua Chăm Po Klong Garai (1151-1205). Ông đã giúp dân Bàu Trúc thoát khỏi cảnh lầm than, đói khổ, đưa dân làng đến định cư ở cánh đồng “Hamu Trok” và dậy dân đào đất sét, làm gốm. Do đó, người dân nơi đây coi Po Klong Chanh là tổ sư của nghề gốm (tổ nghề) và lập hẳn một đền thờ ngài. Từ đó, cứ mẹ truyền con nối và duy trì đến ngày nay. Cộng đồng Chăm nơi đây thường tổ chức “Giỗ tổ nghề gốm” tại đền Po Klong Chanh ngay sau Lễ hội Katê (tháng 7 Chăm lịch, tương đương tháng 9-10 Dương lịch). Đây là dịp để người dân làng nghề tưởng nhớ công ơn của vị tổ dạy dân làm gốm, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và cầu mong sự che chở, bảo hộ lâu dài cho các thế hệ người dân theo nghề.

Lễ giỗ tổ nghề gốm Bàu Trúc - Po Klong Chanh
Lễ giỗ tổ nghề gốm Bàu Trúc – Po Klong Chanh

Làng nghề làm gốm này đã trải qua hơn 500 năm lịch sử nhưng vẫn duy trì được những nét văn hóa cổ xưa: làm thủ công hoàn toàn, nguyên vật liệu tại chỗ, nung lộ thiên, sản phẩm có tính khác biệt không bị trùng lắp, không sử dụng bàn xoay, phụ nữ là người làm chính… Hiện nay, có khoảng 1.286 hộ, với 5.871 nhân khẩu gắn bó với nghề gốm truyền thống.

Quy trình sản xuất gốm Bàu Trúc gồm nhiều công đoạn phức tạp như: lấy đất sét từ cánh đồng Bàu Trúc (ven sông Quao, sông Lu), đào hố ủ đất qua đêm (pha trộn nước và cát theo tỷ lệ phù hợp), nhồi đất bằng chân, nhồi đất bằng tay, tạo dáng, gắn kết con trạch, miết láng bằng vòng quơ, miết láng bằng vải cuộn, trang trí hoa văn, phơi khô nhẹ (phơi sương), chuẩn bị lò nung lộ thiên (củi khô, rơm làm chất đốt), xếp gốm vào lò nung và nung, đưa gốm ra khỏi lò (phơi), phun tạo màu (tùy nghệ nhân)…

Mẻ gốm vừa mới ra lò
Mẻ gốm vừa mới ra lò

Trước đây, dòng gốm Chăm được sản xuất đại trà là các sản phẩm bình dân với các vật dụng gia dụng vừa rẻ vừa tiện ích như: lò nấu củi, lò nấu than, lò bánh căn, lò bánh xèo, lu đựng nước, chậu than, chậu bông, siêu sắt thuốc, ấm, bình, ly… Hình ảnh những người Chăm có đàn ông, có phụ nữ gánh gồng trên đôi vai từng sọt sản phẩm gốm đi khắp các thôn làng, xóm nhỏ. Dưới nắng trời oi bức những đôi chân trần vẫn miệt mài đưa những sản phẩm của mình đến với nhiều vùng quê. Từ đó, sản phẩm gốm bình dân này đã len lỏi vào từng ngõ ngách và trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống xưa kia. Trong những bức ảnh xưa còn lưu dấu những chiếc xe trâu đặt thù của người Chăm chuyên chở các sản phẩm gốm đi bán ở các khu chợ. Khi bóng chiều tàn úa cũng là lúc các chuyến hàng trở về mang lại hy vọng cho bao ánh mắt trẻ thơ. Khi điều kiện kinh tế phát triển hơn thì chiếc xe đạp trở thành công cụ thồ hàng đi tiện lợi hơn. Sự xuất hiện của chiếc xe lam nhỏ gọn cũng góp phần không nhỏ vào quá trình truân chuyển hàng hóa đi được nhiều nơi hơn. Ngày nay, các phương tiện chuyên chở vô cùng đa dạng nên cái vất vả trước đây gần như không còn hiện diện.

Gốm Chăm Bàu Trúc hiện nay có 03 dòng dễ nhận thấy: gốm truyền thống, gốm mỹ nghệ và gốm phong thủy. Các dòng gốm phát triển hài hòa trong lòng làng nghề cổ. Gốm truyền thống thể hiện giá trị xưa. Gốm mỹ nghệ và gốm phong thủy thể hiện giá trị nay. Khi xã hội ngày càng phát triển cao, hàng loạt mặt hàng công nghiệp trong và ngoài nước được sản xuất ồ ạt, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý đã tạo nên sức ép cạnh tranh rất lớn cho các sản phẩm truyền thống. Vì vậy, không ít nghệ nhân đã mày mò, tìm tòi, học hỏi, phát triển thêm nhiều sản phẩm gốm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng. Du lịch phát triển mạnh mẽ, du khách ngày càng nhiều đã tạo ra một thị trường mới đầy tiềm năng. Gốm mỹ nghệ với sự bắt mắt của mình đã dần chiếm được niềm tin yêu của khách. Gốm phong thủy mang dáng dấp nước non, hòn non độ cũng trở thành một mặt hàng được nhiều gia đình, hàng quán, nhà hàng, khách sạn… đặt mua và sử dụng như một niềm mong mỏi về tài lộc, may mắn, hanh thông. Lẽ ra cùng với thời gian nghề gốm Bàu Trúc đã phải mai một, thất truyền vì kỹ nghệ thô sơ, thậm chí là lạc hậu. Nhưng không, làng gốm vẫn chứa đựng một sức sống tiềm tàng, bắt nguồn từ những nghệ nhân yêu nghề, luôn giữ lửa, luôn nhiệt huyết trao truyền cho các thế hệ tiếp theo. Bởi lẽ họ luôn tâm niệm rằng, đó là cái hồn dân tộc Chăm. Giữ nghề là một cách trân trọng công ơn của tổ tiên và cũng là giữ lấy một nguồn mạch sống cho con cháu sau này.

Nghệ nhân Đàng Thị Hoa chế tác gốm
Nghệ nhân Đàng Thị Hoa chế tác gốm

Sức sống mãnh liệt của làng gốm Bàu Trúc với những nét chấm phá đầy riêng biệt khiến cho du khách gần xa không thể không biết đến. Có thể sự chú ý đến cái tên Bàu Trúc tăng mạnh trong những năm gần đây. Làng gốm Chăm Bàu Trúc liên tục được vinh danh với nhiều danh hiệu khác nhau. Năm 2014, trong Hành trình quảng bá Top đặc sản Việt Nam, làng gốm Bàu Trúc đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập “Top 20 làng nghề truyền thống Việt Nam nổi tiếng với những sản phẩm độc đáo tinh xảo”. Ngày 20/6/2017, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL đưa “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 29/11/2022, tại kỳ họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Ma-rốc, hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được chính thức vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Lễ đón nhận Bằng của UNSECO diễn ra tối ngày 15/6/2023 tại Quảng trường 16/4. Trong sự kiện Hội ngộ Top Việt Nam lần I, Tổ chức kỷ lục Việt Nam VietKings, Trung tâm TOP Việt Nam đã đề cử Làng gốm Bàu Trúc vào Top 100 kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: “Làng gốm Chăm cổ nhất Việt Nam”.

Nếu đã đặt chân đến vùng đất Ninh Thuận, du khách nên giành chút ít thời gian để ghé thăm làng gốm Bàu Trúc. Đến để tận mặt xem các nghệ nhân trình diễn, được trải nghiệm làm gốm dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân, được ngắm nhìn nhiều dòng gốm đẹp mắt, lạ lẫm, được mua những món quà đầy thú vị. Tin chắc đây sẽ là một trải nghiệm đáng giá đến từng khoảng khắc cho những ai chưa biết đến địa điểm này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *