BẪY ĐÁ PI NĂNG TẮC

Bẫy đá Pi Năng Tắc

Chiến tranh đã lùi xa được gần nửa thế kỷ nhưng dấu tích của những chiến công oanh liệt dường như chưa hề phai dấu. Hôm nay, trong một ngày tháng 7 đẹp trời, tôi lang thang ngược về với quá vãng, tìm về chiến khu Bác Ái anh hùng. Bước chân chợt rẽ về hướng xã Phước Bình với đầy những suy tư.

Đường đi Phước Bình
Đường đi Phước Bình

Con đường uốn lượn theo từng triền núi, đồi non trập trùng, quanh co nhưng cũng đầy thông thoáng, rộng rãi gấp nhiều lần trước đây. Việc di chuyển của các phương tiện như xe máy, mô tô, ô tô, xe khách… gần như rất thuận tiện. Núi non trùng điệp đập vào tầm mắt tạo màu xanh phủ kín cả một khung trời. Môi trường cao ráo tạo bầu không khí thoáng mát với những cơn gió vi vu, thổi rít qua từng khe, hốc đá. Xe băng băng lăn bánh với những vòng cua uốn lượn, ôm sát núi, gần sát vực tạo cảm giác mạo hiểm như những tay đua chuyên nghiệp nào đó lỡ bước đến Phước Bình. Bóng cây rừng che mát những khoảng đường vốn nóng bỏng, oi ả của xứ trời Ninh Thuận. Nhiều tán, tầng cây phủ lá, tạo dáng đẹp như bonsai, có cây tán dài như cánh tay, như một trục đèn xanh đỏ mà tự nhiên tạo hóa nơi thâm sơn cùng cốc. Xa xa những áng mây thơ thẩn nhẹ nhàng lướt đi êm ả trên cao tán lá tạo sự vấn vương, quyến luyến của xứ trời vùng cao. Những tản đá nhấp nhô, cao thấp, đan xen, xếp hình tạo nên bóng dáng của những khu vườn tự nhiên được mẹ thiên nhiên sắp đặt. Lơ thơ ở các vực đường, mép nước là thảm rêu xanh mềm mại. Thấp thoáng khẽ đưa trong gió nhẹ là bóng cỏ lau, hoa dại ven đường. Thỉnh thoảng là thanh âm khe khẽ róc rách của những khe nước nhỏ chảy len lỏi trong tầng đất, đá rừng rồi thoát dần ra phía con đường. Nhìn bầu trời trong xanh, nghe tiếng chim hót véo von để tâm hồn được hòa làm một với sắc trời non nước bao la. Không xa là cổng chào đi vào địa phận của Vườn quốc gia Phước Bình. Một trong hai khu vườn quốc gia của tỉnh Ninh Thuận. Nơi mà hệ sinh thái rừng đa dạng với nhiều loại thực vật quý cùng nhiều giống loài động vật hoang dã trú ngụ. Vườn quốc gia Phước Bình cách trung tâm Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng chừng 70km về hướng Bắc. Đi thêm một đoạn là tới Bẫy đá Pi Năng Tắc – một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng bậc nhất của vùng rừng núi Bác Ái. Nơi này thuộc địa phận xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Cổng vào Vườn quốc gia Phước Bình
Cổng vào Vườn quốc gia Phước Bình
Bản đồ hướng đi Bẫy đá Pi Năng Tắc
Bản đồ hướng đi Bẫy đá Pi Năng Tắc
Bẫy đá Pi Năng Tắc
Bẫy đá Pi Năng Tắc

Càng vào sâu địa phận xã Phước Bình con đường dần như nhỏ lại so với phần đầu đoạn đường khi mới di chuyển. Một bên (hướng Tây) là đồi núi, đá cao chất chồng xen kẽ các tán cây rừng. Một bên còn lại (hướng Đông) là dòng suối mát lành đang tuôn chảy rầm rì len qua từng khe đá, vực đá, mỏm đá. Nước xanh trong, mát lành. Vùng này mang cái khí hậu của vùng cao, mát mẻ như một miền Đà Lạt thu nhỏ. Đang suy tư về cảnh quang thì Bẫy đá Pi Năng Tắc hiện ra nghiêm trang trên một vùng núi có phần tịch mịch, vắng lặng. Hơn nửa thế kỷ về trước nơi này từng chứng kiến rất nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm của đồng bào Raglai đã được sử sách ghi nhận, ca tụng. Những người con đã ngã xuống để quê hương được độc lập, hòa bình luôn được các thế hệ trân trọng, biết ơn. Đặc biệt, khi tháng 7 lại là tháng vinh danh thương binh, liệt sĩ (27/7) thì một chuyến đi về nguồn là vô cùng ý nghĩa. Nơi ấy gợi nhớ về những trận đánh hào hùng, oanh liệt của quân dân Phước Bình – Bác Ái nói riêng. Dù phải chống chọi với kẻ địch hùng mạnh, trang bị vũ khí hiện đại thì quân dân Phước Bình – Bác Ái cũng không hề nao núng, hoảng sợ. Bằng bàn tay, khối óc và sự sáng tạo của mình họ đã tạo ra vô vàng các loại bẫy, vũ khí thô sơ để tiêu hao sinh lực địch và tiêu diệt địch. Một mùa hè đổ lửa của tháng 8/1961, các đoàn quân của địch ồ ạt tiến về Phước Bình – Bác Ái với các chiến dịch càn quét, dồn dân lập các khu tập trung, lập đồn bốt trấn thủ, cô lập cách mạng, thực hiện chiến lược “thượng du vận”… Đồng bào vẫn kiên cường bám trụ đấu tranh “một tấc không đi, một ly không rời”. Trên những tuyến đường hiểm yếu mà các đoàn quân địch di chuyển, quân dân đã đào các hố sâu, chôn các chông tre vót nhọn (chông lá ngắn, chông lá vừa, chông lá dài), chôn các bàn chông bằng sắt, cắm chông ở các chốt chặn nhằm cản bước tiến của địch. Đằng sau những tán cây lớn là các trụ gỗ to, nặng, cứng, chắc, được đục khoét lỗ, gắn kết với các đoạn chông nhọn lộ ra tua tủa, buộc chằng đá nặng, chờ địch vào thì chặt dây cho các khối trụ gỗ có chông nhọn ngã ra đâm vào đoàn quân địch (xoa ngã). Trên những tán cây cao là những trục gỗ hình chữ thập gắn kết với các đoạn chông nhọn, ngắn, cứng từ trên cao rơi xuống bổ nhào vào đầu các đoàn quân địch (xoa rớt). Trong tầng cây rừng là những trục gỗ ngắn khoảng 40-50cm, ngắn kết các đoạn chông tre ngắn, nhọn, cứng đưa qua đưa lại theo hệ thống dây rừng được bố trí đâm vào các đoàn quân địch đang di chuyển (xoa đưa). Dưới nền đất còn có các hầm quay để cản bước địch hoặc tấn công địch bằng các bàn phóng tên trên không, các mang cung bậc đồng loạt… Đặc biệt trên vách đá cao là hệ thống bẫy đá dây với các bản đá lớn, với hàng trăm hòn đá to nhỏ được cột chằng cố định chỉ chờ chực các đoàn quân của địch đi vào là rơi đổ từ trên cao xuống. Đá lăn ào ào đập, xô, tung, hất vào quân địch liên tiếp từng đợt khiến quân địch kinh hồn bạc vía. Cộng với sự tấn công trực diện của những súng bộ binh thông thường (CKC, AK…) hay tấn công địch bằng các loại ná (nỏ) với tên vót nhọn. Trong những trận chiến ác liệt đó không thể không nhắc đến vai trò của anh hùng Pi Năng Tắc (1910-1977). Người con sinh ra ở vùng đất Phước Thành – Bác Ái chính là linh hồn của những trận đánh ác liệt, không khoan nhượng giữa ta và địch. Để tăng tính xác thương cho các loại vũ khí thô sơ, anh hùng Pi Năng Tắc đã nghiên cứu, tìm hiểu, cử đồng đội ra vùng rừng núi Giale lấy về loại vỏ cây thuốc độc. Vỏ cây này được ngâm trong nước lạnh nhiều giờ cho mềm ra, sau đó nấu lên cho ra hết chất nước, vớt xác bỏ, nấu nước cô lại thành chất keo, rồi bôi tẩm lên các loại chông tên. Nhờ đó mà tiêu diệt được nhiều quân địch hơn. Ngày 10/6/1961, anh hùng Pi Năng Tắc đã chỉ huy một trận địa mai phục địch bằng “bẫy đá” tại khu vực đèo Gia Túc. Trận đánh làm địch thiệt hại nặng, trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho kẻ thù. Tuy nhiên, kẻ địch ngoan cố vẫn tiếp tục cử cả đại đội vào tấn công Phước Bình (Bác Ái). Khoảng 10 giờ sáng ngày 10/8/1961, dưới sự chỉ huy của anh hùng Pi Năng Tắc, với vũ khí thô sơ ta đã tiêu diệt được trên 100 tên địch có vũ khí hiện đại tiến vào Phước Bình. Trận đánh này đã góp phần đưa tên tuổi của anh hùng Pi Năng Tắc vang xa. Sự kiện 10/8/1961 cũng được chọn khắc vẽ lên vách đá nơi này như một dấu mốc lịch sử. Trận đánh tạo nên sự khích lệ tinh thần cực lớn cho quân dân các khu vực khác vùng dậy tiêu diệt địch. Ở khu vực Phước Trung, tên tuổi của các anh hùng bắn máy bay địch cũng vang dội khắp cả nước đó là anh hùng Pi Năng Thạnh, Chamaléa Châu. Có thể nói đồng bào Raglai là vô cùng anh dũng nhưng họ luôn yêu mến hòa bình, thích yên ổn. Thường ngày cái dao, cái rựa chỉ dùng đi nương rẫy, phát cây, chặt củi, dọn vườn. Cái ná, cái nỏ, cái lao chỉ là công cụ sắn bắt thú rừng để tìm kiếm nguồn thức ăn. Nhưng khi có chiến tranh, tất cả gậy gộc, giáo mác, nỏ ná, cung tên, dao rựa… để trở thành vũ khí để sống mái cùng kẻ thù xâm lược.

Anh hùng Pi Năng Tắc (1910-1977)
Anh hùng Pi Năng Tắc (1910-1977)

Pi Năng Tắc (1910-1977), quê ở xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Ông là một nhân vật lịch sử được đông đảo các thế hệ kính phục, ngưỡng mộ và biết ơn. Nhà nước đã ghi nhận và trao tặng cho ông danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 5/1965. Có lẽ, ông cũng là người con Ninh Thuận được vinh dự nhận được danh hiệu này sớm nhất. Riêng “bẫy đá Phước Bình”, nơi ông tổ chức trận đánh ngày 10/8/1961 cũng đã được đặt theo tên ông gọi là “Bẫy đá Pi Năng Tắc”. Ngày 31/8/1992, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin ký Quyết định số 1140/1992/QĐ-BVHTT công nhận Bẫy đá Pi Năng Tắc là Di tích quốc gia (loại hình lịch sử cách mạng).

Mô hình bẫy đá Pi Năng Tắc
Mô hình bẫy đá Pi Năng Tắc

Chiến tranh vốn dĩ không phải là điều gì đáng để tự hào, để mà ca tụng. Bởi lẽ ở đó toàn chết chóc đau thương với sinh ly tử biệt. Chiến tranh vốn dĩ chỉ có kẻ mất nhiều hơn hay kẻ thiệt ít hơn. Điều đáng để chúng ta phải suy ngẫm là cái giá rất đắc mà nó đem lại. Ghi nhớ những hy sinh bằng máu và nước mắt của cả một dân tộc. Biết trân trọng những gì mình có. Biết phấn đấu cống hiến, bảo vệ và xây dựng cho quê hương thêm giàu mạnh để xứng đáng với những gì cha ông tiên tổ đã hy sinh rất nhiều mới có được. Bỏ lại sau lưng khoảng trời lịch sử đầy oai hùng và cũng lắm đau thương để đi thêm vài nơi nữa. Phước Bình giờ đây đã có nhiều đổi khác. Nhà cửa khang trang hơn. Điện, đường, trường, trạm cơ bản đã định hình ổn định. Những vườn bưởi nứt tiếng gần xa. Những vườn chuối mồ côi (chuối hột/chuối cô đơn) đầy thu hút. Những mái nhà dân tộc với các hoạt động trình diễn văn nghệ mang sắc màu bản địa: mã la, kèn bầu, đàn Chapi, sáo ống nứa… Những điệu múa bập bùng bên ánh lửa. Những món ăn của vùng rừng núi quyến luyến du khách tha phương. Thả mình trong dòng nước trong, lát lạnh như được đất trời ướp ủ thành thứ nước đá tự nhiên. Dừng chân bên bờ suối trong veo ngắm nhìn lũ trẻ nô đùa, nhớ về các chuyến tham quan, dã ngoại, về nguồn với các sinh hoạt, nấu nướng hấp dẫn. Gà luộc tự nhiên xé phây chấm cùng muối ớp, thưởng thức kèm lon bia, nước ngọt ướp lạnh tự nhiên bằng cách bỏ xuống các hố nước suối mát lạnh. Một cảm giác tuyệt vời đến lạ kỳ. Phước Bình quả thực là một điểm đến hoang dã đầy cuốn hút cho những ai muốn thoát khỏi sự ngột ngạt khó thở của nơi đô thị ồn ào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *